Mẹ thiên nhiên thực sự ưu đãi Bắc Hà, dù chỉ nhỏ nhỏ xinh xinh thôi, nhưng những tiểu vùng thời tiết chênh nhau vài độ, cũng tạo ra những cảnh quan bốn mùa khác biệt, khiến người ta phải tò mò muốn khám phá từng ngóc ngách của Bắc Hà.
Mùa xuân ở Bắc Hà:
Mùa của những lễ hội vui nhộn, rực rỡ sắc màu và đậm bản sắc của các dân tộc đang sinh sống tại Bắc Hà: lễ hội Say sán của người H’Mông, nhảy lửa của người Dao, múa xòe và xuống đồng của người Tày…. Mùa xuân ở Bắc Hà còn là những mùa hoa nối tiếp mùa hoa. Hiếm có nơi nào ở vùng miền núi phía Bắc lại có đến tận 2 mùa hoa mận như Bắc Hà, tạo thành mỹ danh Cao nguyên Trắng cho vùng đất này:
- Tháng 1: Hoa anh đào, có nhiều ở khu vực hồ Na Cồ và xung quanh thị trấn Bắc Hà. Cuối tháng 1 là hoa đào rừng nở rực rỡ ở các cung Na Hối – Bản Phố, Bản Phố – Thải Giàng Phố.
- Đầu tháng 2: Hoa mận Tam hoa với nhiều vườn mận đẹp ở Tà Chải, Na Hối và Bản Phố.
- Cuối tháng 2 tới giữa tháng 3: Hoa mận Tả van và hoa lê trắng bung lụa trên các cung Lùng Phình – Tả Van Chư – Lùng Cải – Simacai.
- Tháng 4: Khí hậu là một lợi thế ở Bắc Hà, khi mà nơi khác đã bắt đầu bước sang thời tiết nóng ẩm thì ở Bắc Hà, hoa cải vàng cực thơm và hoa Tam giác mạch lại khoe sắc trên những ngọn đồi nhỏ ở Bản Phố, ở Lử Thần.
Mùa hạ ở Bắc Hà:
Là một trong những mùa đẹp nhất trong năm ở Bắc Hà, mùa của những quả chín nối tiếp theo mùa hoa: mận Tam Hoa, mận Tả Van, lê, đào… Khi mùa hạ đến, cả người dân và du khách đều trông ngóng về Giải đua ngựa không yên cương nổi tiếng ở Bắc Hà quy tụ cả trăm tay đua cự phách từ các vùng núi cao đổ về.
- Tháng 5: Bắc Hà bắt đầu bước vào thu hoạch mận. Mận Bắc Hà chín rải đều từ giữa tháng 5 tới cuối tháng 6. Các thửa ruộng bậc thang ở xa như Tả Củ Tỷ, Bản Liền bắt đầu vào mùa đổ nước.
- Tháng 6: Là tháng rất đặc biệt ở Bắc Hà bởi có quá nhiều thứ cùng tụ lại trong khoảng thời gian này: ngoài lễ hội đua ngựa truyền thống, trong tháng 6 còn diễn ra lễ hội thu hoạch mận tam hoa, mùa của những cây bồ kết rừng Bản Liền mang sắc lá đỏ thắm, đỏ như màu của những cây phong ở trời Âu vào thu.
- Tháng 7: Khi lúa bắt đầu lên xanh cũng là mùa những luống hoa cát cánh (một loại dược liệu) ở Lùng Phình và Tả Van Chư bắt đầu tím màu thương màu nhớ lảng bảng trong sương núi xa mờ. Mùa hoa cát cánh kéo dài tới tận tháng 9.
Mùa thu ở Bắc Hà:
Màu vàng trải dài trên những thửa ruộng bậc thang ở Tây Bắc. Bắc Hà với những địa hình và tiểu vùng thời tiết khác nhau, nên mùa lúa chín cũng kéo dài hơn nhiều nơi khác. Mùa thu, thứ quả dại theo tiếng H’Mông là “Chí Blìn” bắt đầu hồng dần lên ở góc các cánh rừng ngọn núi, tạo thành những vạt thu chín đỏ góc rừng theo cung Lùng Phình – Tả Van Chư, có thể khiến những “cơn điên” sống ảo cho du khách Việt lên tới cực điểm.
- Tháng 8: Khi người H’Mông ở Hoàng Thu Phố đã có gạo mới ăn vào cuối tháng 8 thì trong mỗi căn nhà của người Tày ở Tà Chải tiếng chày giã cốm mỗi tối vẫn đang vang lên và kéo dài tới tận cuối tháng 9 đầu tháng 10.
- Tháng 9: Đây mới là lúc lúa chín đều ở Bản Liền, còn ở Tả Củ Tỷ lúa chỉ mới ngậm đòng.
- Tháng 10: Trong khi không đâu còn có lúa chín vàng trên ruộng bậc thang thì du khách lại được trải nghiệm mùa lúa chín ở Tả Củ Tỷ.
Mùa đông ở Bắc Hà:
Những tưởng mùa đông là mùa là mùa kém quyến rũ nhất trong năm ở Bắc Hà bởi cái thời tiết giá rét rất chung của miền núi cao phía Bắc. Thế nhưng, có những ngày rét ngọt, nắng Bắc Hà vàng như rót mật, bầu trờ Bắc Hà xanh thăm thẳm ở cái nhiệt độ 4 – 5 độ C, và những quả hồng trên cây cứ từ từ ngả màu chín đến là ấm áp.
- Suốt cả tháng 11 và 12: Những biển mây bồng bềnh nơi cổng trời Hoàng Thu Phố, nơi đỉnh Ngải Thầu ở xã Na Hối, những điểm ngắm hoàng hôn và bình minh đẹp nhất trong tất cả 4 mùa ở Bắc Hà. Thời điểm này cũng là mùa nông nhàn đối với các cộng đồng dân tộc nơi đây, khách du lịch sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động vui chơi như đá bóng hay đánh quay với phụ nữ Tày ở Bản Liền.
- Tháng 12: Bắt đầu tháng Tết của đồng bào H’mong – đặc biệt là người H’mong ăn tết cả tháng. Bạn đến ngày nào trong tháng cũng đều có cơ hội tham gia lễ mổ lợn và nghe kể về tục làm lý của người H’Mông Bắc Hà.